Ảnh minh họa
Trong thời gian ngập lụt, giếng nước ăn uống, sinh hoạt của hộ gia đình có thể bị ngập, không thể sử dụng được. Nếu không hứng được nước mưa, cần xử lý nước ngập để sử dụng. Nước ngập trước khi sử dụng cần được làm trong và khử khuẩn. Tham khảo trong bài Kỹ thuật làm trong và khử trùng nước.
Xử lý nước ăn uống
Trong trường hợp giếng nước bị ngập mà không có nước mưa để sử dụng thì phải lấy nước ngập để xử lý.
* Làm trong nước:
- Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng khoảng bằng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào chum, vại hay thùng nước và khuấy đều.
- Chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài cho đến khi được nước trong.
* Khử khuẩn nước:
- Khử khuẩn bằng viên cloramin T hoặc B: Cloramin B hoặc T được sản xuất dưới dạng viên hàm lượng 0,25g. Loại này rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nhỏ như chum, vại, bể chứa nhỏ. Một viên cloramin B hoặc T dùng để khử khuẩn 25 lít nước.
- Khử khuẩn bằng cloramin bột: Tính lượng cloramin cần thiết để khử khuẩn dựa trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10 mg/lít. Ví dụ: một thùng nước 30 lít thì lượng cloramin B cần để khử khuẩn là 300mg. Có thể dùng thìa canh để đong bột cloramin, mỗi thìa canh đầy tương đương với 10g. Như vậy để khử khuẩn 300 lít nước cần khoảng 1/3 thìa bột cloramin B. Trong trường hợp khẩn cấp mà không có phèn chua để làm trong nước thì có thể dùng biện pháp tạm thời là tăng lượng cloramin lên:
· Nước đục vừa: 15 – 20 g/m3 (~ 15 – 20mg/lít)
· Nước đục nhiều: 20 – 50 g/m3.
Múc một gáo nước, hòa tan lượng cloramin rồi đổ vào bể chứa, trộn đều. Múc nước tưới lên thành bể chứa để khử khuẩn. Để yên 30 phút sau có thể dùng nước. Nếu nước có mùi nồng của clo thì chờ thêm 30 phút hoặc 1 giờ. Nước này vẫn phải đun sôi thì mới uống được.
Lưu ý: Không tiến hành khử khuẩn đồng thời với đánh phèn hoặc khử khuẩn không đúng liều lượng cloramin cho nước đục vì phèn hoặc các chất hữu cơ trong nước sẽ hấp phụ hết clo hoạt tính và làm mất tác dụng khử khuẩn của clo.
Xử lý phân trong khi ngập lụt
- Tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, đào những hố nhỏ mỗi chiều 0,5m để làm hố tiêu tạm thời.
- Sau mỗi lần đi tiêu, rắc một lớp vôi bột và lấp 1 lớp đất.
- Những hố tiêu này nên làm cách xa nhà ở, nguồn nước,… để hạn chế sự phát tán mầm bệnh./.
Sức khỏe toàn dân là Trang thông tin chính thức của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống, kiến thức và hàng loạt các tiện ích để phục vụ người dân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình theo Chương trình Sức khỏe Việt Nam, vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
© Trang thông tin Sức khỏe toàn dân thuộc Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Trang thông tin Sức khỏe toàn dân phải có sự đồng ý bằng văn bản của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.
Giấy phép của Bộ Thông Tin và Truyền Thông - số 225/GP-TTDT ngày 30/08/2018