Bệnh viêm quanh cuống bao gồm các tổn thương vùng cuống răng cấp hay bán cấp, hay mạn tính
1. Điều trị
1.1. Mục đích và nguyên tắc điều trị:
Mục đích:
Sau khi điều trị hàn ống tuỷ bằng bột dẻo không độc hoặc cắt cuống mà vẫn đảm bảo được chức phận ăn nhai, thẩm mỹ nhưng không có biểu hiện dấu hiệu bệnh lý trên lâm sàng.
Nguyên tắc chung: Muốn đạt được mục tiêu trên cần đảm bảo những nguyên tắc sau.
- Phải xác định mức độ tổn thương cuống răng để có kế hoạch điều trị phù hợp và kịp thời.
- Phải chuẩn bị tốt ống tuỷ bằng phương pháp hoá học và cơ học để ống tuỷ tiếp nhận chất hàn.
- Loại bỏ toàn bộ tổ chức hoại tử, vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, những yếu tố kích thích khác có trong ống tuỷ và tổ chức cuống tạo điều kiện cho tổ chức cuống hồi phục sau điều trị.
- Trong quá trình điều trị phải đảm bảo vô trùng và không gây bội nhiễm thêm tổ chức vùng cuống hoặc đưa các bệnh khác vào cơ thể người bệnh như viêm gan B, HIV/AIDS.
- Chất hàn phải là chất trơ, kkhông gây kích thích có hại mà có khả năng kích thích tổ chức vùng cuống tái tạo và hồi phục.
- Chất hàn phải dễ bảo quản, dễ sử dụng, có tính cản quang để có thể kiểm tra và theo dõi kết quả sau khi hàn ống tuỷ.
- Hàn ống tuỷ phải tới đường ranh giới xương ngà.
- Trước và sau khi điều trị phải chụp phim răng tại chỗ để xác định chiều dài ống tuỷ, số lượng ống tuỷ và để kiểm tra đánh giá kết quả điều trị.
1.2 Chỉ định điều trị và chống chỉ định điều trị:
Chỉ định điều trị bảo tồn răng:
- Những răng còn khả năng để phục hồi lại chức năng ăn nhai và thẩm mỹ
- Những răng có ống tuỷ thông và chân răng không dị dạng
- Bệnh nhân có điều kiện đi lại và đồng ý để điều trị bảo tồn răng
- Những răng tổn thương không phải là nguyên nhân của các bệnh toàn thân như: Viêm nội tam mạc, viêm khớp, viêm thận, v.v...
- Bệnh nhân không bị viêm quanh răng ở giai đoạn cuối
Chống chỉ định điều trị:
+ Răng là nguyên nhân của các bệnh toàn thân và tại chỗ như: Cốt tuỷ viêm xương hàm, nhiễm trùng huyết, viêm thận, viêm khớp, v.v...
+ Bệnh nhân đang có các bệnh toàn thân cấp tính như: Sốt, tâm thần, v.v...
+ Những bệnh nhân tuổi cao, bệnh nhân không có điều kiện đi lại hay bệnh nhân không muốn điều trị.
+ Những răng làm cản trở cho việc làm răng giả.
1.3. Phương pháp điều trị:
Đối với những răng bị tổn thương viêm quanh cuống cấp, bán cấp:
+ Nếu điều kiện cho phép thì dùng khoan trụ hay tròn, mở thông buồng tuỷ, giảm áp lực khí và dịch có trong buồng tuỷ để giảm đau và có tác dụng như trích dẫn lưu.
+ Dùng kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn yếm khí và Gram (-), kết hợp với giảm đau, sinh tố. Sau khi hết sưng đau, ta tiến hành điều trị như các bước của tuỷ hoại tử.
Đối với răng viêm quanh cuống cấp, bán cấp do chấn thương thì cần phải cố định răng bằng chỉ thép hoặc máng nhựa. Sau đó theo dõi tuỷ xem còn sống hay đã chết bằng cách thử nóng, lạnh, ngưỡng kích thích điện, nếu tuỷ chết phải điều trị tuỷ.
Đối với những răng viêm quanh cuống mạn, viêm quanh cuống cấp và bán cấp, sau khi đã điều trị kháng sinh, các bước điều trị giống như điều trị tuỷ hoại tử như: Mở buồng tuỷ, nong rửa ống tuỷ, đặt thuốc sát khuẩn CPC, TF, hàn ống tuỷ, phục hồi thân răng. Chỉ riêng có viêm quanh cuống mạn tính, việc điều trị cần được theo dõi nhiều tháng đối với sự liền xương ở tổn thương cuống răng hoặc kết hợp phẫu thuật cắt cuống ngay sau điều trị nội nha.
2. Chế độ ăn
Những thực phẩm tốt cho răng và lợi:
Táo: Táo giúp ngăn ngừa răng không bị sâu do chứa nhiều vitamin C và khoáng chất. Ngoài hai yếu tố này, các quả táo cũng là nguồn chất xơ rất lớn, rất tốt trong việc làm cho răng và lợi sạch.
- Cá: Các loại chất đạm là những thành phần quan trọng đối với độ chắc khỏe của răng và lợi. Cá là một trong những loại thực phẩm rất giàu đạm.
- Nước: Nước có công dụng giúp vận chuyển những dưỡng chất chủ yếu như canxi và các chất khác đến với các màng tế bào, các màng này có nhiệm vụ tăng cường sự khỏe mạnh cho răng và lợi. Nếu bạn không có điều kiện chải răng sau khi ăn, hãy nhớ uống nước để giữ cho răng miệng sạch.
- Sữa và các thực phẩm từ sữa: Sữa là nguồn canxi lớn và tốt cho răng và lợi.
- Đậu: Các loại đậu rất giàu canxi và các khoáng chất thiết yếu khác, các dưỡng chất này rất quan trọng đối với răng và lợi.
- Cherry và quả nho đen: Chứa bioflavonoid giúp bảo vệ lợi không bị hư hại.
- Các loại hạt: Các loại hạt như hạt bí ngô, hạt vừng, hạt hướng dương…đều rất giàu canxi, vitamin và khoáng chất, là các loại dưỡng chất tốt cho sức khỏe của răng và lợi.
- Trà: Trà tốt cho răng và lợi vì chứa chất flavonoid chống sâu răng và ngăn ngừa các mảng bựa răng bám vào răng gây sâu.
Rau quả gây ra bệnh răng lợi:
Nhiều báo cáo cho biết trái cây có thể gây ra sâu và mục răng. Nguyên do là những thực phẩm này có nhiều axit làm phá huỷ men răng sau đó vi sinh vật dễ dàng thẩm thấu sâu hơn vào mô răng.
Xét theo tác dụng của nó với răng miệng, các nhà nghiên cứu chia rau quả thành 2 nhóm:
Nhóm có hại: Chuối, chà là, dứa, nho, cà chua, đậu hà lan, quả vả, sung, táo ngọt, quả lựu, cam quýt, quất, rau diếp, mùi tây, cần tây, me chua thuộc nhóm có hại cho răng do chứa nhiều carbohydrate.
Nhóm không gây hại: dưa chuột, bắp cải và súp lơ, bí xanh, bí đỏ, cà tím, củ cải và cà rốt… không làm hại men răng.
Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn sai lầm nếu 'đoạn tuyệt' với nhóm thực phẩm đầu tiên vì chúng cũng có nhiều yếu tố có lợi cho răng miệng như làm sạch và có chứa florua.
Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ răng là vệ sinh răng miệng sau khi ăn, đánh răng, súc miệng bằng nước đun sôi để nguội, nước súc miệng diệt khuẩn.
Ăn kết hợp cả 2 nhóm trái cây và ăn trong bữa chính, không ăn vặt. Nước trái cây nên uống bằng ống hút để tránh tiếp xúc với răng.
Không đánh răng ngay sau khi ăn và uống nước trái cây. Lúc này, lớp men răng sẽ mềm hơn dưới tác dụng của axit hữu cơ trong rau và trái cây, bàn chải sẽ làm mài mòn men răng. Các nha sĩ khuyên sau khi ăn trái cây nên đợi khoảng 30 phút, nước bọt sẽ phục hồi và cân bằng chất khoáng của răng, rồi hãy làm sạch chúng bằng bàn chải.
3. Phòng ngừa
- Ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, hợp lý. Thức ăn bổ cho cơ thể cũng là thức ăn bổ cho răng và lợi. Hạn chế ăn quà vặt có nhiều chất đường, bột dính.
- Sử dụng các dạng Fluor để ngừa sâu răng.
- Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần.
- Nếu có bệnh viêm lợi và viêm quanh răng thì nên chữa trị ngay
- Tránh không nhai vật cứng như xương, vỏ cua biển.
- Chải răng ngay sau khi ăn là điều quan trọng nhất và phải thực hiện thành thói quen, suốt đời.
Các triệu chứng bao gồm đau, dày niêm mạc miệng, xuất hiện các dát hoặc mảng bám màu trắng bên trong miệng, bao gồm cả phía trong má và phía trên lưỡi
Sức khỏe toàn dân là Trang thông tin chính thức của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống, kiến thức và hàng loạt các tiện ích để phục vụ người dân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình theo Chương trình Sức khỏe Việt Nam, vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
© Trang thông tin Sức khỏe toàn dân thuộc Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Trang thông tin Sức khỏe toàn dân phải có sự đồng ý bằng văn bản của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.
Giấy phép của Bộ Thông Tin và Truyền Thông - số 225/GP-TTDT ngày 30/08/2018